Sau "tháng ăn chơi", đến hè, các thành viên trong nhóm thợ của Đạt lại tất bật với công việc sửa tủ lạnh, điều hoà, quạt làm mát,... Anh cho biết, 2 đợt nắng nóng cao điểm đầu hè ở Hà Nội, mỗi thợ sửa điện lạnh kiếm bình quân 5 triệu đồng một ngày. Đỉnh điểm, có ngày người làm giỏi đút túi đến 8 triệu đồng. "Đặc trưng của nghề này là làm một mùa, ăn cả năm", anh Đạt chia sẻ.
Theo anh Đạt, vào mùa nắng nóng, thu nhập của các thành viên nhóm cao gấp 7-8 lần các mùa khác. Song, lượng công việc cũng tăng lên tương ứng. Mỗi ngày, một người nhận từ 10 đến 15 khách. Những đợt nắng nóng đỉnh điểm, thường kéo dài 5-10 ngày, 6 thợ trong nhóm anh luôn trong cảnh làm tất bật vẫn không hết việc.
Trước kia, các thành viên trong nhóm của anh Đạt làm nhân viên cho một siêu thị điện máy lớn ở Cầu Giấy, Hà Nội. Tính cả lương cứng và % doanh thu, mùa cao điểm, mỗi tháng một người chỉ được khoảng 5 triệu đồng. Tích luỹ kinh nghiệm và bắt mối với một lượng khách hàng nhất định, 6 người quyết định lập nhóm, ra làm riêng.
Mỗi thành viên được chia phụ trách từng khu vực. Ngoài ra, nhóm cũng mở một cửa hàng chứa đồ thanh lý và nhận hàng về sửa.
Tuỳ theo "bệnh" của máy mà giá dịch vụ được tính khác nhau. Nếu hỏng bộ xả tuyết tủ lạnh, thay mới 250.000-400.000 đồng; thay bộ lốc (bộ khởi động) từ 800.000 đồng cho đến 1 triệu đồng. Bảo dưỡng, vệ sinh điều hoà mỗi lần là 100.000 đồng, nạp gas 250.000 đồng. Đó là chưa kể tiền công thấp nhất cũng 100.000 đồng mỗi lần sửa chữa, thay các bộ phận.
Hầu hết, khách gọi điện và thợ đến nhà sửa. Nếu bảo dưỡng, lau chùi hoặc bơm gas chỉ mất khoảng 20-40 phút. Nhưng có máy "bệnh" phức tạp phải mất vài tiếng đồng hồ.
"Nếu trường hợp máy bị hỏng nặng, cần thời gian tìm hiểu và khách đồng ý, thợ sẽ mang về cửa hàng. Tuy nhiên, do vận chuyển rủi ro, diện tích chứa tại cửa hàng có hạn, tâm lý khách nghi ngại, nên sửa tại chỗ luôn được chúng tôi ưu tiên. Đây cũng là cách tạo uy tín với khách", anh Đạt nói.
Anh Thành, nhân viên kỹ thuật của một siêu thị điện máy lớn ở đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, trong mùa cao điểm, mức thu nhập của thợ chuyên nghiệp tại đơn vị này, gồm lương và % doanh thu, mỗi ngày khoảng 1 triệu đồng. "Tuy nhiên, nếu nhận sửa, vận chuyển, lắp đặt thêm bên ngoài, thợ làm tích cực có thể kiếm 5 triệu đồng một ngày", anh thừa nhận.
Ngoài sửa, nhóm anh Đạt còn thu nhập thêm từ việc bán đồ thanh lý. Nhiều khách có điều kiện sẽ thanh lý các mặt hàng điện lạnh, điện tử với giá cực rẻ. Máy lạnh cũ sau khi làm mới được chạy thử một thời gian. Nếu ổn định và không bị lỗi sẽ bán với giá cao gấp 3-5 lần so với giá mua. Mỗi chiếc máy mua vào, bán ra nhóm cũng thu được vài triệu đồng. Vào mùa cao điểm, tủ lạnh, điều hoà và quạt hơi nước cũ thường cháy hàng.
Anh Hưng, một thành viên chia sẻ, sửa điện lạnh cho thu nhập cao nhưng là nghề "ăn đong" và nhiều rủi ro. Từ khi bắt đầu chớm hè cho đến hết mùa, gần như ngày nào thợ cũng phải chạy sô. Những ngày trong tuần, khách vắng nhà nên thợ phải làm lúc sáng sớm, giữa trưa hoặc vào buổi tối. Ngày cuối tuần, cả đội phải làm tăng cường từ 5h sáng, có khi kết thúc việc lúc 12h đêm.
Nghề này cũng gặp nhiều rủi ro. Nếu thợ không bắt đúng bệnh thì mất uy tín, mất thời gian, mất công, thậm chí còn bị mất tiền. Nhiều máy chỉ bị hỏng một bộ phận, nhưng khi thay mới thì hỏng cả dây chuyền.
"Ngoài ra, có khách khó tính hoặc không có kiến thức chuyên môn, máy hư hỏng nặng nhưng vẫn cho sửa. Đến khi tiền sửa đắt hơn mua máy mới lại nhất định không trả tiền. Vì thế, thợ phải tư vấn thật thuyết phục cho khách hàng", anh Hưng nói.
"Đặc trưng của nghề sửa điện lạnh là ăn đong theo mùa", anh Phúc, một thợ khác chia sẻ. Mùa đông, nhu cầu rất ít. Thậm chí, một ngày chỉ 2-3 khách gọi. Thời điểm này, các thợ sẽ kiêm thêm sửa lò vi sóng, máy sưởi, máy bơm, các vật dụng nhỏ, hoặc nhận lắp đặt theo công trình. Thu nhập mỗi người trong ngày vài trăm nghìn đồng, nhưng chi phí đi lại rất tốn kém.
Cũng vì lý do đó nên đến "mùa ăn nên làm ra", nạn móc túi khách hàng rất phổ biến. Để giữ uy tín, giữ khách, anh Đạt khẳng định, phương châm của nhóm là không mánh khoé lấy cắp bộ phận hay thay hàng rởm, kê thêm "bệnh" cho máy.
Song anh thừa nhận, một số thành viên vẫn "nhìn mặt, đặt tiền". Những gia đình có điều kiện, thợ thường lấy giá cao hơn người nghèo, hoặc người phải đi thuê nhà.